Hướng dẫn sử dụng sạc bình ắc quy đúng cách và an toàn
Trước khi sạc ắc quy, bạn nên thực hiện xả bình ắc quy đến hết toàn bộ điện năng còn lại trong bình.
Nội dung
1. Cách chọn dòng sạc bình ắc quy
2. Cách sử dụng máy sạc bình ắc quy tự động
3. Cách sự dụng máy sạc bình ắc quy không tự động
1. Cách chọn dòng sạc bình ắc quy
Cách chọn dòng sạc bình ắc quy cũng giống như cách chọn dòng xả ắc quy. Theo các tiêu chuẩn IEEE và khuyến cáo của nhà sản xuất thì dòng sạc sẽ được chọn như sau:
– Đối với Bình ắc quy Ni-Cd kiềm: Isạc = 0.2C5 (A). Ví dụ, bình Ni-Cd kiềmcó dung lượng 100Ah thì dòng nạp được chọn là 0.2*100=20A.
– Đối với Bình ắc quy Axit-chì (hở & kín): Isạc = 0,1C10 (A). Ví dụ, bình Axit-chì có dung lượng 100Ah thì dòng sạc được chọn là 0.1*100=10A.
Tất nhiên, bạn có thể chọn dòng sạc lớn hơn để thời gian sạc giảm lại nhưng khi dòng sạc lớn sẽ làm nhiệt độ bình tăng nhanh hơn và có nguy cơ làm phồng rợp, hư hỏng bình. Còn nếu bạn chọn dòng sạc nhỏ hơn thì thời gian sạc sẽ lâu hơn. Ngoài ra, đối với Bình ắc quy axit-chì thì nếu ta sạc với dòng điện lớn thì phản ứng xảy ra mạnh, PbSO4 sinh ra nhiều và bám vào các cực đè lên các lớp PbO2 hoặc Pb chưa phản ứng khiến cho sau một thời gian ngắn thì chúng không còn phản ứng được nữa (do các lớp PbO2 và Pb bị che lắp bởi PbSO4), điều đó dẫn đến bình ắc quy bị đầy ảo.
2. Cách sử dụng máy sạc ắc quy tự động
B1:Để núm điều chỉnh dòng sạc của máy sạc ở vị trí Min.
B2:Chuyển công tắc lựa chọn mức điện áp của bình qua vị trí tương ứng với điện áp định mức của bình cần sạc (tùy thiết kế bộ sạc có thể là cần gạt hoặc núm xoay) , ví dụ bình 6V ta lựa chọn mức điện áp trên bộ sạc là 6V.
B3: Kiểm tra điện cực của bộ sạc và điện cực của ắc quy đã cùng cực tính, tức là cực (+) của bộ sạc phải nối với cực (+) của ắc quy và cực (-) của bộ sạc phải nối với cực (-) của ắc quy, thông thường ta chỉ cần nhìn vào ký hiệu trên bộ sạc và ắc quy là có thể xác định được cực tính. Sau đó đấu nối bộ sạc với ắc quy theo đúng cực tính.
Chú ý: trường hợp mất ký hiệu điện cực bạn phải dùng VOM để xác định chính xác điện cực của bộ sạc và ắc quy trước khi đấu nối, tuyệt đối tránh trường hợp đấu sai cực tính.
B4: Bật công tắc nguồn.
B5: Sau đó điều chỉnh dòng sạc ắc quy bằng núm điều chỉnh dòng sạc cho đến khi dòng sạc hiển thị trên Ampe kế của máy nạp là 0.1C10 (A) đối với ắc quy Axit-chì và 0.2C5 đối với ắc quy Ni-Cd kiềm. Ví dụ, bình ắc quy axit-chì 100Ah bạn cần chỉnh dòng sạc là 0.1*100Ah = 10A. Tùy vào công suất của bộ sạc mà ta có thể điều chỉnh được tối đa dòng sạc.
B6: Sau đó chờ đến khi ắc quy đầy thì bộ sạc sẽ tự động ngắt.
3. Cách sử dụng máy sạc không có chế độ tự động
B1: Để núm điều chỉnh dòng sạc của máy sạc ở vị trí Min.
B2: Kiểm tra điện cực của bộ sạc và điện cực của ắc quy đã cùng cực tính, tức là cực (+) của bộ sạc phải nối với cực (+) của ắc quy và cực (-) của bộ sạc phải nối với cực (-) của ắc quy, thông thường ta chỉ cần nhìn vào ký hiệu trên bộ sạc và ắc quy là có thể xác định được cực tính. Sau đó đấu nối bộ sạc với ắc quy theo đúng cực tính.
Chú ý: trường hợp mất ký hiệu điện cực bạn phải dùng VOM để xác định chính xác điện cực của bộ sạc và ắc quy trước khi đấu nối, tuyệt đối tránh trường hợp đấu sai cực tính.
B3: Bật công tắc nguồn và cầu dao.
B4: Xác định giá trị điện áp sạc tăng cường và điện áp sạc thả nổi của bình cần sạc.
Với bộ sạc không có chế độ tự động. Tùy vào loại bình bạn đang sử dụng, để đạt kết quả chính xác nhất thì bạn nên xem thông số điện áp sạc tăng cường (boost charge) và điện áp sạc thả nổi (floating charge) trên cuốn sổ tay (datasheet) của chính bình đó. Nhưng thông dụng cho các bình axit-chì loại 2V, 6V, 12V, 24V, 48V thì có các mức điện áp như sau:
Loại bình (Type) | Mức điện áp nạp tăng cường (Boost charge voltage) | Mức điện áp sạc thả nổi (Floating charge voltage) |
2V | 2.35V | 2.17V |
6V | 7.35V | 6.51V |
12V | 14.1V | 13.02V |
24V | 28.2V | 26.04V |
48V | 56.4V | 52.8V |
Chú ý: Điện áp ta đo trên 2 cực của bình ắc quy sau khi đã được nạp đầy và để hở mạch cũng chính là mức điện áp thả nổi ở bảng trên.
B5: Thực hiện quá trình sạc theo 2 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1:
– Điều chỉnh núm điều chỉnh dòng sạc trên bộ sạc để dòng sạc bằng 0.1C10 (A) đối với ắc quy axit-chì và 0.2C5 đối với ắc quy Ni-cd kiềm, ví dụ bình ắc quy axit-chì 100Ah bạn chỉnh dòng sạc là 0.1*100Ah = 10A. Chú ý vì ắc quy khi đói sẽ ngậm dòng rất lớn do đó lúc bắt đầu sạc chỉ tăng nhẹ núm điều chỉnh, không nên tăng núm điều chỉnh quá nhanh rất dễ gây quá dòng làm hỏng bình.
– Theo dõi dòng sạc hiển thị trên Ampe kế bộ sạc để điều chỉnh núm điều chỉnh dòng sạc nhằm giữ cho dòng sạc luôn ở mức 10A trong suốt qua trình sạc cho đến khi điện áp sạc hiển thị ở Vol kế bộ sạc đạt đến mức điện áp sạc tăng cường (Boost charge voltage) thì kết thúc giai đoạn 1. Ví dụ bình 6V, khi Vôn kế bộ sạc hiễn thị ở mức điện áp Boost charge 7.35V thì ta kết thúc giai đoạn 1. Thông thường thời gian sạc giai đoạn 1 là từ 8-10h.
Giai đoạn 2:
– Ngắt kết nối bộ sạc và ắc quy (để hở mạch bộ sạc).
– Điều chỉnh núm điều chỉnh dòng sạc trên bộ sạc cho đến khi Vol kế bộ sạc hiễn thị ở mức điện áp sạc thả nổi. Sau đó giữ nguyên vị trí của núm điều chỉnh dòng sạc và kết nối bộ sạc với ắc quy theo đúng cực tính. Ví dụ, bình ắc quy axit-chì 6V thì bạn điều chỉnh điện áp bộ sạc hở mạch ở mức điện áp sạc thả nổi là 6.51V.
– Khi vừa kết nối thì điện áp hiễn thị trên Vôn kế sẽ bị tụt giảm đi và có dòng sạc khác 0A hiển thị trên Ampe kế. Ta sẽ tiếp tục sạc thì điện áp sạc sẽ tăng từ từ cho đến mức điện áp sạc thả nổi đã điều chỉnh trước đó và dòng điện sạc sẽ giảm từ từ về 0A (thực tế là khoảng vài chục mA). Kết thúc giai đoạn 2. Thông thường thời gian sạc giai đoạn 2 là từ 1-4h.
*Chú ý:
– Dù là sạc bằng máy từ động hay không tự động ta điều phải đo nhiệt độ của bình ắc quy trong suốt quá trình sạc (đo ít nhất 1h/1 lần), nếu t0 bình mà cao hơn 400C thì phải giảm dòng sạc xuống. Khi đó thời gian sạc giai đoạn 1 sẽ lâu hơn, nhưng đảm bảo an toàn cho bình ắc quy.
– Đối với máy sạc không tự động, thông thường người sử dụng chỉ thực hiện xong giai đoạn 1 là xem như bình đã được nạp đầy, nhưng để bình thật sự được nạp đầy ta phải thực hiện cả 2 giai đoạn trên.
– Thực ra, với máy sạc tự động thì toàn bộ quá trình sạc mà ta thực hiện với máy sạc không tự động đã được cài đặt sẵn trong máy sạc tự động nên người dùng không cần phải điều chỉnh gì trong quá trình sạc.